Thư viện ảnh
Hinh anh cau duong tu an son
Số lượt truy cập :
Visitor
Go
TP. HCM sẽ có thêm một đường hầm và 34 cầu mới
Khởi công nâng cấp Quốc lộ 217 qua tỉnh Thanh Hóa
Khánh thành cầu Tam Bạc mới
Khởi công dự án 2004 tỷ đồng mở rộng QL1A
Cao tốc chạy nước rút để kịp thông xe
Động thổ dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt Hà Nội - TP. HCM
Nghệ An: Động thổ DA nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 535
Khánh thành cầu Chợ Gạo gỡ "nút thắt" cả giao thông thủy lẫn bộ
Những cây cầu độc đáo ở Đà Nẵng
Khởi công dự án mở rộng QL1A hơn 3.500 tỷ đồng
Nhật Bản cho Việt Nam vay 2,16 tỷ USD để thực hiện 12 dự án
Đà Nẵng khánh thành hai công trình kỷ lục thế giới
Tin tức
Khánh thành cầu Rồng và cầu mới Trần Thị Lý
29/03/2013 08:39 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

“Khánh thành thông xe cùng lúc hai dự án lớn trong một thời điểm lịch sử có ý nghĩa quan trọng - kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng thân yêu là một niềm tự hào và hạnh phúc to lớn đối với những người thợ cầu Cienco1”.

Đồng chí Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng trong một lần kiểm tra thi công cầu Trần Thị Lý
Đồng chí Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng
trong một lần kiểm tra thi công cầu Trần Thị Lý

Chúng tôi đến công trường cầu Rồng và cầu mới Trần Thị Lý một ngày trước khi hai cây cầu này được khánh thành, thông xe. Trên công trường giờ đây không còn cảnh ngổn ngang vật liệu, thiết bị thi công. Thay vào đó là những tốp công nhân của Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco1) đang khẩn trương rà soát lại những chi tiết cuối cùng và làm vệ sinh toàn bộ công trình. Tại cầu Rồng, thạc sỹ cầu Lê Lệnh Bắc, Chỉ huy trưởng công trường vẫn tất bật như những ngày thi công cao điểm, anh nói: “Đến đích rồi nhưng mình vẫn cứ bồn chồn. Làm thế nào cho ngày khánh thành thông xe không có chút vướng mắc gì mới là mỹ mãn”. Bắc quê Thanh Hóa nhưng vợ và hai con nhỏ hiện sinh sống ở Hà Nội. 16 năm từ khi ra trường đến nay anh công tác tại Cienco1 thì có đến 8 năm “chinh chiến” trên các công trường khắp mọi miền đất nước của TCT. Tôi hỏi: “Làm nhiều công trình thấy việc thi công cầu Rồng thế nào?”. Bắc chia sẻ: “Hoàn thành cầu rồi em thấy như trong mơ vì tiến độ thi công quá thần tốc”.

Không chỉ cầu Rồng, mà cầu mới Trần Thị Lý cũng đã được Cienco1 thi công và hoàn thành bằng một tiến độ tưởng chừng “bất khả thi”. Cầu Rồng và cầu mới Trần Thị Lý là hai dự án lớn của thành phố Đà Nẵng. Cả hai cây cầu đều bắc qua sông Hàn và chỉ cách nhau chưa đầy một cây số. Đây là hai công trình có kết cấu hiện đại, phức tạp với nét kiến trúc độc đáo. Cầu Rồng do Công ty Louis Berger (Mỹ) thiết kế là cầu vòm thép gồm 5 nhịp chính có tổng chiều dài 666,6 mét. Bề rộng mặt cắt ngang 37,5 mét cho 6 làn xe ô tô, dải phân cách 6 mét và hành lang đi bộ hai bên. Đây được coi là mặt cắt cầu rộng nhất Việt Nam hiện nay. Nét độc đáo của cầu Rồng là sự kết hợp giữa kết cấu dầm thép và dầm bê tông, trung tâm có vòm ống thép với ba nhịp dầm vòm liên tục có chiều cao không đổi.

Những ngày cao điểm thi công trên cầu mới Trần Thị Lý
Những ngày cao điểm thi công trên cầu mới Trần Thị Lý

Cầu mới Trần Thị Lý do Công ty WSP Finland (Phần Lan) thiết kế có 12 nhịp tổng chiều dài 670 mét. Bề rộng mặt cầu 34,5 mét cho 6 làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ. Cầu được thiết kế theo dạng dây văng với 3 mặt phẳng dây. Dây văng nhịp chính được bố trí trên một mặt phẳng và neo ở tim dọc dầm chủ. Dây văng nhịp biên tỏa sang hai bên và neo vào mố S1. Cách bố trí dây văng “bất đối xứng” này đã tạo cho cây cầu có sự đặc biệt về hình dáng tựa như một cánh hạc đang múa. Nét nổi bật nữa là cầu có trụ tháp bê tông cốt thép tiết diện hình chữ V cao 145 mét, nghiêng 120 về phía tây cầu. Đây sẽ là một trong những điểm nhấn du lịch của thành phố khi đưa vào khai thác.

Cầu mới Trần Thị Lý
Cầu mới Trần Thị Lý

Với “8 cái nhất” của cầu Rồng và “4 cái nhất” của cầu Trần Thị Lý đã xác lập nhiều kỷ lục mới với lĩnh vực xây dựng cầu trong nước và quốc tế mà đỉnh cao là kỷ lục con Rồng thép lớn nhất thế giới. Việc thi công dầm, vòm thép tại cầu Rồng là công đoạn khá phức tạp. Cienco1 đã đưa ra nhiều phương án thi công và sau đó đã lựa chọn cách dùng long môn thay đổi chiều cao có sức nâng 200 tấn. Phương án này được coi là một sáng tạo đặc biệt của đội ngũ kỹ sư Cienco1, tạo sự chủ động về vật tư, thiết bị, thời gian thi công và tiết kiệm chi phí do không phải nhập khẩu công nghệ hoặc thuê thiết bị từ nước ngoài.

Ông Cấn Hồng Lai, Tổng giám đốc Cienco1 tâm sự: “Khi được thành phố Đà Nẵng giao cùng lúc thi công hai dự án lớn này, chúng tôi nhận thấy đây là vinh dự to lớn. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng là một thử thách không nhỏ. Có những thời điểm thi công nước rút để hoàn thành các hạng mục chính nhưng nguồn vốn thành phố bố trí không kịp thời, Cienco1 rơi vào khó khăn tưởng chừng bế tắc. Nhiều người lúc đó hoài nghi về khả năng về đích của hai công trình này”. Tuy nhiên, với truyền thống 50 năm xây dựng và trưởng thành, Cienco1 đã hạ quyết tâm bằng mọi giá phải hoàn hành tốt nhiệm vụ. Từ những cán bộ lãnh đạo cao nhất, đến những người thợ trực tiếp tham gia hai dự án đã đồng lòng đồng sức, tập trung trí tuệ, nguồn lực tài chính cho dự án. Cienco1 đã huy động tối đa thiết bị dặc chủng và các lực lượng thi công mạnh của mình vào công trường gồm Công ty Thi công Cơ giới 1, Xí nghiệp Cầu 17, XN Cầu 18, Công ty 121... và một số nhà thầu phụ khác. Trên hai công trường thường xuyên có hơn 1.000 CBCNV được tổ chức thi công 3 ca 4 kíp. Ngay hai cái Tết Nhâm Thìn và Quý Tỵ, những người thợ cầu Cienco1 vẫn vừa làm vừa đón xuân trong nhịp điệu sôi động không ngừng nghỉ của công trường.

Cầu Rồng
Cầu Rồng

Là một nhà thầu chuyên thi công các dự án hạ tầng giao thông có bề dày truyền thống, Cienco1 đã thi công hàng chục ngàn cây số đường, hàng trăm cây cầu trên phạm vi cả nước và nước bạn Lào, Campuchia. Riêng tại thành phố Đà Nẵng, những năm qua Cienco1 đã thi công và hoàn thành tốt nhiều dự án quan trọng như cầu quay Sông Hàn, cầu Cẩm Lệ, cầu Tuyên Sơn, cầu Trần Phú... và nay là cầu Rồng và cầu mới Trần Thị Lý đã về đích đúng hẹn. “Giờ đây Rồng đã bay, hạc đã múa. Tứ linh đã hiển hiện trên mảnh đất Đà Nẵng tình người. Việc khánh thành thông xe cùng lúc hai dự án lớn trong một thời điểm lịch sử có ý nghĩa quan trọng - kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng thân yêu. là một niềm tự hào và hạnh phúc to lớn đối với những người thợ cầu Cienco1 chúng tôi”, ông Cấn Hồng Lai xúc động nói.

Trần Trình Lãm

Những điểm “nhất” của dự án cầu Rồng và cầu mới Trần Thị Lý

Cầu Rồng:

- Có thiết kế độc đáo trên thế giới về kiến trúc, kết cấu chịu lực và giải pháp thi công.

- Có mặt cắt ngang rộng nhất Việt Nam (B=37,5m).

- Được thiết kế tổ hợp nhiều công nghệ, bê tông cốt thép hệ treo có thanh căng dự ứng lực.

- Có hố móng sâu và rộng nhất Việt Nam (37x47, H=15).

- Kết cấu vòm được tổ hợp từ 5 ống đơn tạo hình thân Rồng đặc biệt nhất thế giới.

- Giải pháp thi công vòm bằng long môn tự thay đổi chiều cao với tải trọng nâng 200T lần đầu tiên được áp dụng tại VN do Cienco1 nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và vận hành.

- Các mối nối liên kết dầm có số lượng bu lông cường độ cao lớn nhất từ trước tới nay (3.600 con/mối nối).

- Khối lượng bê tông bịt đáy cho một lần đổ lớn nhất từ trước đến nay (6.700m3 trong vòng 36h).

- 80.000 m3 khối bê tông, 5000 tấn thép, 4200 tấn thép dầm, 2100 tấn thép vòm, huy động 8000 tấn vật tư thi công và nhân lực thường xuyên làm 3 ca là 500 người, lúc cao điểm nhất 900 người.

Trụ tháp dây văng cầu Trần Thị Lý về đêm
Trụ tháp dây văng cầu Trần Thị Lý về đêm

Cầu mới Trần Thị Lý:

- Kết cấu móng cọc khoan nhồi trụ tháp có chiều sâu khoan vào đá gốc tới 30 mét.

- Tháp cầu nghiêng 120 liên kết trực tiếp với với dầm chủ được đặt trên gối chỏm cầu có sức chịu tải tính toán lớn nhất thế giới (32.000T).

- Kết cấu một mặt phẳng dây có mặt cắt ngang đơn lớn nhất Đông Nam Á (B=34,5m).

- Thi công một lần trên toàn mặt cắt kết cấu dầm hộp thành mỏng (25cm) cho cả nhịp dẫn và nhịp chính.

- Lần đầu tiên Cienco1 nghiên cứu thiết kế, chế tạo, áp dụng thành công công nghệ đà giáo đẩy 1.100T, rút ngắn thời gian thi công 30 ngày cho mỗi nhịp.

- Lựa chọn giải pháp xe đúc chạy dưới cho thi công nhịp chính, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình thi công và rút ngắn được tiến độ thi công 4 tháng.

- 63.000 m3 bê tông, 9.800 tấn thép, 595 tấn thép dự ứng lực, 885 tấn cáp dây văng tương đương với 745 km cáp và 12,35 km dây văng, nhà thầu huy động 4500 tấn vật tư thi công, nhân lực huy động cao điểm nhất tại dự án là 700 người.

(Tư liệu)

 

Thợ cầu Cienco1 với 2 công trình nghệ thuật độc đáo trên sông Hàn

2 công trình nổi tiếng nhất của TP Đà Nẵng hiện nay - mà người ta thường ví von gọi là 2 công trình thế kỷ: Công trình cầu Rồng và cầu mới Trần Thị Lý đã về đích đúng như lời hẹn của lãnh đạo TP với nhân dân, báo giới trong 1 ngày lịch sử: 29/3/2013 - chào mừng kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng Đà thành dưới bàn tay tài hoa của những người thợ cầu Cienco1.

Chủ động công nghệ tháp dây văng nghiêng 12 độ - lần đầu tiên tại Việt Nam với cầu mới Trần Thị Lý

Một ngày “không như mọi ngày”, nắng thật nắng. Tôi đến với những người thợ cầu Trần Thị Lý khi công trình đã “đâu vào đấy”. Trong sự tất bật thu dọn chuẩn bị đón chào ngày khánh thành, niềm vui như được nhân đôi hơn trên gương mặt, trong ánh mắt của những người lính thợ Cienco 1. Công trình đã hoàn thành mỹ mãn. Niềm vui ấy không chỉ dừng lại trên nụ cười tròn vạnh của những thợ cầu, của ngành GTVT Đà Nẵng, mà hồ hởi hơn nữa là của toàn thể nhân dân phố biển thủ phủ miền Trung bởi thêm niềm vui nối đôi bờ.

Các cán bộ, kỹ sư Cienco1 trao đổi phương án thi công trên công trường
Các cán bộ, kỹ sư Cienco1 trao đổi phương án thi công trên công trường

Một kỹ sư trẻ của Sở GTVT Đà Nẵng - đơn vị chủ đầu tư dự án chia sẻ: Nể thợ cầu Cienco1 bởi đã thực sự làm chủ được công nghệ với tháp dây văng nghiêng 12 độ lần đầu tiên tại Việt Nam và lần thứ 2 trên thế giới.

Một chuyên gia đầu ngành về cầu cùng đi “thị sát” ngày cuối trước khánh thành cho hay, cầu mới Trần Thị Lý là công trình không những chỉ đảm bảo đơn thuần về hệ thống giao thông mà còn là 1 công trình nghệ thuật độc đáo. Và cái khó của 1 công trình nghệ thuật ở đây chính là với 33 dây nhịp chính và 30 dây nhịp dẫn neo từ trụ tháp xuống dầm chính và mố, chiều dài dây từ 100- 280m, số lượng tao trong dây từ 33- 95 tao, mỗi tao gồm 7 sợi 15,7m, thi công theo hệ dây văng SSI2000 với công nghệ thi công căng từng tao. Trụ tháp thi công bằng hệ ván khuôn leo và cẩu tháp tốc độ trung bình 7 ngày/1 đốt tháp cao 4m. Mà tháp dây văng phải nghiêng 12 độ, tiết diện phải thay đổi từ chân tháp đến đỉnh tháp đòi hỏi thợ cầu phải vừa làm vừa học hỏi các chuyên gia nước ngoài về cáp dây văng mới chủ động được công nghệ này. Đồng thời, dầm hộp ở công trình này lại có thành bê tông mỏng nhất Việt Nam hiện nay, sườn đứng 20cm, cốt liệu dùng trong cấp phối bê tông cực kỳ chính xác nên bắt buộc quản lý hết sức chặt chẽ. Và hôm nay, đứng dưới trụ tháp nghiêng dây văng sừng sững đã minh chứng cho thấy, lính thợ Cienco 1 đã học hỏi và làm chủ công nghệ rất nhanh, vận hành vào thực tiễn rất tài tình. Giỏi hơn nữa là mặt dầm dẫn của cầu được thi công bằng hệ đà giáo đẩy do Cienco 1 tự chế tạo. Chiều dài mỗi nhịp dầm dẫn là 50- 60m, khối lượng bê tông 1200- 1600m3, thời gian thi công trung bình 60 ngày/nhịp. Dầm chính thi công trên hệ đà giáo cố định thay đổi so với phương án TKKT bằng xe đúc hẫng, thời gian là 7 ngày/ 1 đốt dầm 6m.

Ngày trước lễ khánh thành, công trình đã tươm tất, gọn gàng đâu ra đó. Dáng cây cầu uy nghi, lộng lẫy tỏa nắng rọi xuống dòng sông Hàn càng tăng thêm vẻ lung linh cho phố biển. Công trình hoàn thành với 6 làn xe, tải trọng HL93, dài 759,6m (kể cả 2 mố), rộng 34,5m, được khởi công vào ngày 22/4/2010, thời gian dự kiến hoàn thành ban đầu là tháng 7/2013. Nhưng sau khi thợ cầu Cienco1 đã xong các hạng mục công trình sớm hơn dự kiến khoảng 3 tháng, lãnh đạo TPĐN quyết tâm đốc thúc công trình đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian hoàn thành đúng dịp trọng đại ngày giải phóng TP vì vậy đã trở thành công trình mang tính lịch sử.

Giám đốc Dự án Ngô Bá Toản tổng kết, những ngày thi công, toàn bộ công trình có khoảng 300 công nhân làm việc 3 ca liên tục. Tất cả đều là thợ kỹ thuật có tay nghề của Tổng công ty chứ không phải lao động phổ thông. “Những ngày tháng đáng nhớ đội nắng dầm mưa trên mảnh đất miền Trung khắc nghiệt này đã để lại trong mỗi chúng tôi những dấu ấn, khoảnh khắc nhất định. Trước đây, Cienco 1 chúng tôi đã làm cầu sông Hàn, đến cầu Cẩm Lệ, rồi đến cầu Tuyên Sơn. Cái quý nhất mà chúng tôi cảm nhận và trân trọng ở TP mến yêu này là cách làm việc của lãnh đạo Đà Nẵng. Không chỉ đạo chung chung, mà lãnh đạo TP trực tiếp chỉ huy hiện trường, chọn tỉ mỉ từng kiến trúc một, từ cái đèn chiếu, lan can, màu sắc... Có lẽ khó có được một thành phố nào được như vậy. Chủ đầu tư là Sở GTVT Đà Nẵng cũng luôn tháo gỡ vướng mắc tại công trường kịp thời từ kỹ thuật cho đến kinh tế, luôn có phương án giúp đỡ nhà thầu. Cái “sướng” của nhà thầu là ở chỗ đó!”.

Thợ cầu Rồng: công trình “vĩ đại”!

Biểu tượng Rồng vươn ra biển lớn đã nguy nga, lẫy lừng bằng con Rồng thép ngay giữa trung tâm đôi bờ sông Hàn những ngày tháng Ba lịch sử. Nhìn những đôi tay thợ cầu tỉ mỉ lau chùi thành lan can cầu sạch sẽ đón ngày khánh thành, tôi chợt nhớ một câu nói của T.S Đặng Việt Dũng - Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng: “Chính bàn tay của những người thợ cầu trên sông Hàn mới là hương tỏa đôi bờ Đà Nẵng”.

Đi từ bờ Đông sang bờ Tây cầu cùng Phó Chánh Văn phòng Cienco 1, nhìn rõ những vòm Rồng long lanh dưới ánh nắng rọi bóng xuống sông Hàn, mỗi đốt vòm có trọng lượng khoảng 5,5 tấn/1 ống 10m, tôi thầm thán phục thợ cầu Rồng bắt nhịp với công nghệ quá điêu luyện. Đó là chưa kể đến việc thi công dầm thép bằng hệ đà giáo cọc khoan nhồi D1m và cao độ từ 38m đến 45m. Sau đó dùng cầu long môn có tải trọng 100 tấn di chuyển trên hệ đà giáo cọc khoan nhồi để nâng hạ các đốt dầm có tải trọng 80 tấn/ 1 đốt. Một thợ cầu làm ở Tổ giàn giáo gặp lại tôi trong niềm vui phấn chấn ngày chuẩn bị khánh thành, chia sẻ: “Việc xiết bu lông nghe thì tưởng như đơn giản lắm nhưng thực sự đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ từng li một đó. Phải chịu khó tỉ mẩn từng con bu lông một, phải xem việc xiết từng con bu lông như uốn từng nét chữ của mình thì “trang” giàn giáo mới chuẩn được, mới chắc được. Để có được dáng Rồng lừng lẫy như ngày hoàn thành hôm nay, là cả một quá trình lao động miệt mài, không ngừng học hỏi của đội lính thợ như chúng tôi”.

Đà Nẵng, ngày tháng Ba lịch sử

Nguồn: Giaothongvantai.com.vn

Các tin đã đăng:
© 2009 -2024An Sơn JSC. Địa chỉ: Số 460, Đường Lê Văn Việt, Khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú A, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. E-Mail: congtycpanson@gmail.com
Powered by Sacomtec Corp.bản đồ bằng gỗ 3d