An Sơn JSC

TP. Hồ Chí Minh: Đầu tư nhiều công trình để giảm ùn tắc

Hai cây cầu vượt thép đầu tiên vừa được đưa vào sử dụng tại ngã tư Thủ Đức và vòng xoay Hàng Xanh đã phát huy hiệu quả trong việc giảm ùn tắc giao thông dịp Tết Quý tỵ vừa qua. Ngành GTVT TP.HCM đang lên kế hoạch tiếp tục xây dựng nhiều cầu vượt để giảm ùn tắc, cùng với đó sẽ huy động nhiều nguồn vốn khác để đầu tư kết cấu hạ tầng giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông một cách bền vững.

Nhiều cầu vượt được xây dựng

Những ngày qua tại nút giao Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa - Trường Sơn (vòng xoay Lăng Cha Cả) thuộc quận Tân Bình, đơn vị thi công đang tiến hành xây dựng cầu vượt thép thứ 3 tại TP.HCM. Cầu vượt này được khởi công xây dựng ngày 25 tháng Chạp năm 2012 để tranh thủ những ngày nghỉ Tết, tiến hành rào chắn, thi công phần móng trụ.

Cảnh ùn tắc tại vòng xoay Lăng Cha Cả sẽ được giải quyết khi cầu vượt thép ở đây được hoàn thành vào tháng 6 tới
Cảnh ùn tắc tại vòng xoay Lăng Cha Cả sẽ được giải quyết khi cầu vượt thép ở đây được hoàn thành vào tháng 6 tới

Ông Lê Quyết Thắng - Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 cho biết, hiện nhà thầu đang tập trung thi công các trụ T5, T6 và T7, dự kiến đến ngày 25/2 sẽ hoàn thành. Tới lúc đó, hàng rào sẽ được thu hẹp lại để mở rộng mặt đường, tạo điều kiện cho người dân lưu thông. Dự kiến công trình cầu vượt tại vòng xoay Lăng Cha Cả sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 6/2013.

Ông Bùi Xuân Cường - Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, UBND TP cũng đã chấp thuận chủ trương xây dựng thêm các cầu vượt thép khác tại các nút giao Cây Gõ, vòng xoay Dân Chủ... là những điểm “nóng” về ùn tắc giao thông. Ngành GTVT TP cũng dự kiến xây cầu vượt cho xe máy tại các ngã tư Hai Bà Trưng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa trên đường Võ Thị Sáu. Trên đường Ba Tháng Hai có thể làm cầu vượt hai chiều cho xe máy và ôtô tại ngã tư Thành Thái - Nguyễn Tri Phương, Lê Đại Hành, Lãnh Binh Thăng. Tại bùng binh Cây Gõ, trong khi chờ dự án mở rộng vòng xoay, có thể làm trước cầu vượt hình chữ Y.

Cùng với đó, Sở GTVT cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan để lựa chọn, xem xét thống nhất 7 vị trí cần xây dựng cầu vượt dành cho người đi bộ là trước cổng Trường Hồng Hà (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh), công viên Gia Định (đường Hoàng Minh Giám, Q.Gò Vấp), đường Kinh Dương Vương (phường Tân Tạo, Q.Bình Tân), khu vực Lottemark - ĐH Tôn Đức Thắng (đường Nguyễn Hữu Thọ, Q.7), đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh), trước Bến xe An Sương (QL22, Q.12)... Tổng nguồn vốn đầu tư các cầu vượt dự kiến khoảng 6.522 tỷ đồng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ưu tiên những công trình trọng điểm

Theo lãnh đạo Sở GTVT TP, trong năm 2013, thành phố sẽ tập trung nguồn vốn để hoàn thành các công trình quan trọng, có ý nghĩa đến việc giải quyết ùn tắc giao thông như công trình xây dựng Tỉnh lộ 10, cầu vượt QL1 tại tỉnh lộ 10 và tỉnh lộ 10B, cầu Sài Gòn 2, đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (khai thác trước đoạn từ đường Nguyễn Thái Sơn đến QL13), đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (khai thác trước đoạn TP.HCM - Long Thành)...

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay với TP là tìm kiếm các nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Trong khi tổng nhu cầu nguồn vốn dự kiến trong năm 2013 là khoảng 10.736 tỷ đồng thì ngân sách chỉ bố trí được khoảng 7.511 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ bản khoảng 3.886 tỷ đồng và 3.625 tỷ đồng để thực hiện công tác duy tu.

Một trong những dự án trọng điểm là đường Vành đai 2 hiện còn hai đoạn chưa khép được là từ ngã ba Tân Lập đến đường Nguyễn Văn Linh (Q.7) và đoạn từ Vành đai Đông đến nút giao Gò Dưa (Thủ Đức) cũng là do thiếu vốn. Thời gian qua, ngành GTVT TP đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn các giải pháp để huy động nguồn vốn cho dự án này nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, ông Bùi Xuân Cường - Phó Giám đốc Sở GTVT TP cho biết, sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư theo hình thức BT, BOT và cả PPP để có nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông.

Nguồn: Giaothongvantai.com.vn


� 2009 -2024  An Sơn JSC | Homepage