An Sơn JSC

Các phương pháp đo độ lún, đo chuyển dịch nhà và công trình

a. Các phương pháp đo độ lún công trình

a.1. Khi đo độ lún của nhà và công trình có thể sử dụng 1 trong các phương pháp sau:

- Phương pháp đo cao hình học;

- Phương pháp đo cao lượng giác;

- Phương pháp đo cao thuỷ tĩnh;

- Phương pháp chụp ảnh.

a.2. Phương pháp sử dụng phổ biến để đo độ lún nhà và công trình là phương pháp đo cao hình học. Quy trình kỹ thuật để đo và xác định độ lún theo phương pháp này đã được nêu trong TCXDVN 271: 2002.

b. Các phương pháp đo chuyển dịch ngang của công trình

b.1. Để đo độ lún nhà và công trình có thể sử dụng riêng biệt một trong các phương pháp sau hoặc sử dụng kết hợp một số phương pháp sau:

- Phương pháp hướng chuẩn;

- Phương pháp đo góc - cạnh.

b.2. Đo chuyển dịch ngang theo phương pháp hướng chuẩn thực chất là đo khoảng cách từ các điểm kiểm tra đến mặt phẳng thẳng đứng (hướng chuẩn) tại các thời điểm khác nhau bằng phương pháp đo góc nhỏ hoặc phương pháp bẳng ngắm di động.

b.3. Trong trường hợp không thể thành lập được hướng chuẩn để quan trắc chuyển dịch ngang cần sử dụng một trong các phương pháp sau:

- Phương pháp giao hội góc, giao hội cạnh hoặc giao hội góc cạnh;

- Phương pháp tam giác;

- Phương pháp đường chuyền đa giác.

b.4. Sai số giới hạn cho phép khi đo chuyển dịch ngang được quy định như sau: ± 1mm đối với công trình xây dựng trên nền đá gốc; ± 3mm đối với công trình xây dựng trên nền đất cát, đất sét và các loại đất chịu nén khác; ± 5mm đối với các loại đập đất đá chịu áp lực cao; ± 10mm đối với công trình xây dựng trên nền đất đắp, đất bùn chịu nén kém và ± 15mm đối với công trình bằng đất đắp.

- Yêu cầu độ chính xác khi đo chuyển dịch ngang đối với các công trình đặc biệt được tính toán riêng trên cơ sở thiết kế kỹ thuật và công nghệ của từng công trình;

- Trong trường hợp chưa xác định trước được hướng chuyển dịch của công trình thì phải quan trắc theo hai hướng vuông góc với nhau.

c. Phương pháp đo độ nghiêng công trình

c.1. Độ chính xác cần thiết khi đo độ nghiêng công trình phụ thuộc vào loại công trình, chiều cao, chiều dài của công trình.

Sai số cho phép đo độ nghiêng của các công trình không được vượt quá  quy định sau đây:

- Đối với nền bệ móng lớn, máy liên hợp: 0,00001 L

- Đối với tường của các công trình công nghiệp và dân dụng : 0,0001H

- Đối với ống khói, tháp, cột cao: 0,0005 H

trong đó:

L - chiều dài của nền bệ;

H - chiều cao của công trình.

c.2. Tuỳ theo điều kiện cụ thể của khu vực, chiều cao của công trình và độ chính xác cần thiết để lựa chọn các phương pháp đo độ nghiêng sau đây:

- Phương pháp tọa độ;

- Phương pháp đo góc ngang;

- Phương pháp đo góc nhỏ;

- Phương pháp chiếu đứng;

- Phương pháp đo khoảng thiên đỉnh nhỏ.

d. Đo vết nứt công trình

d.1.Việc đo có hệ thống sự phát triển của các vết nứt ngay từ khi chúng xuất hiện trên kết cấu nhà và công trình nhằm đánh giá các đặc trưng về biến dạng và mức độ nguy hiểm đối với quá trình sử dụng công trình.

d.2. Khi đo vết nứt theo chiều dài cần tiến hành theo các chu kỳ cố định, đánh dấu vị trí và ngày quan trắc.

d.3. Khi đo vết nứt theo chiều rộng cần phải sử dụng các dung cụ hoặc thiết bị chuyên dùng, đánh dấu vị trí và ngày quan trắc của các chu kỳ.

d.4. Khi chiều rộng của vết nứt lớn hơn 1 mm cần phải đo chiều sâu của nó.


Theo tuvankiemdinh.com


� 2009 -2024  An Sơn JSC | Homepage